Nâng cấp Bình Chánh lên thành phố có nhiều điều lợi nhưng phải tổ chức thật tốt.

bình chánh lên tp

Tôi ở Bình Chánh, tôi không mong lên thành phố, nhưng mong quy hoạch sao để chia nhỏ quản lý ra và đường xá hạ tầng cần nâng cấp vì huyện quá rộng. Ví như đi học, ở cùng xã mà đi phải gần 5 km mới tới trường, nhà thiếu nhi và khu hành chính, bệnh viện huyện thì cách hơn cả chục km. Đó là xã tôi nằm ở khoảng giữa, chứ người dân ở các xã như Vĩnh Lộc A qua khu hành chính phải đi gần 30 km, quá bất tiện“.

Độc giả Hong Tang bình luận sau bài viết Đề xuất Bình Chánh lên thành phố. Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TP HCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030.

Theo HIDS, đối chiếu hiện trạng, so các tiêu chuẩn theo Nghị quyết về phân loại đô thị; Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Bình Chánh không có khả năng chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp quận từ đây đến năm 2030.

Độc giả anhtuan290486 trích dẫn và đặt câu hỏi: “Việc chuyển đổi từ cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp đô thị (mô hình thành phố thuộc thành phố) được cho sẽ giúp Bình Chánh có điều kiện đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh‘.

Xin hỏi chi tiết là điều kiện gì? Và tại sao hiện tại lại không có điều kiện mà phải là lên thành phố mới có điều kiện? Bị vướng mắc gì? Có cách giải quyết không?

Hiện tại ngay như mô hình TP Thủ Đức tôi chưa thấy có một điểm gì khác biệt hay cơ chế gì khác biệt, động lực thúc đẩy gì khác biệt so với khi đang còn là 3 quận (2, 9, Thủ Đức) cả, nhưng thủ tục hành chánh thì lại bị nghẽn, thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân lâu hơn, người dân và doanh nghiệp phải tốn chi phí và thời gian hơn để chỉ phải đi cập nhật lại tất cả thông tin địa chỉ”.

Bình Chánh là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Nam của TP HCM, có diện tích 252 km2, chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Đây là huyện có số dân đông nhất cả nước với 711.000 người. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn ngày càng nhanh”.

Độc giả có nickname vivutxlplus025612 nói:

So với các quận trung tâm, thì diện tích tự nhiên của Bình Chánh trải dài miên man, từ Nguyên Văn Bứa giáp với Hóc Môn, Đức Hòa ( Long An ) xuống tới Quốc lộ 50, Đa Phước, Cần Giuộc ( Long An). Diện tích đất nông nghiệp còn rất nhiều (xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Bình Lợi, Tân Nhựt… ).

Đây cũng là cơ hội và thách thức rất lớn để phát triển đồng bộ giao thông hạ tầng trong quận kết nối với các cửa ngõ về miền Tây, tạo động lực để cả khu vực phát triển“.

Độc giả Võ tuấn anh giải thích điều lợi khi Bình Chánh nâng cấp lên thành phố:

Lợi dễ thấy và đặc biệt là về đầu tư gồm hạ tầng, cơ sở vật chất, nhiều doanh nghiệp sẽ chú ý đến hơn để làm ăn, khi đó kéo theo đời sống người dân tại đây sẽ phát triển…

Ví dụ, một xã nghèo khi được công nhận là xã nông thôn mới thì “tự dưng” đường xá sẽ được làm rộng và sạch sẽ hơn, đi lại thuận tiện hơn…

Nhưng lại làm cho tôi nảy ra một thắc mắc: Tại sao từ huyện (theo lý mà nói) phải lên quận rồi mới được lên thành phố, đằng này nhảy luôn lên thành phố? Liệu các điều kiện hiện nay có chồng chéo?“.

Độc giả haihokts:

Khi mà được xem xét là thành phố, Bình Chánh sẽ được phân bổ ngân sách theo đô thị loại 3 trở lên, có nhiều tiền hơn thì có thể đầu tư nhiều hơn cho hệ thống hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, đường, công viên ,…).

Bên cạnh đó thì khi trở thành thành phố, Bình Chánh sẽ có quyền tự quyết ở nhiều khía cạnh hơn, từ đó nhanh chóng giải quyết các vấn đề hơn, giảm thời gian chờ đợi.

Việc đề xuất lên thành phố này có cái lợi, nhưng nếu không tổ chức tốt hệ thống quản lý thành phố trực thuộc thành phố, hoặc quyền tự quyết của Bình Chánh không được nâng cao, thì cái tên thành phố sẽ lại chỉ là danh từ chứ không đạt được hiệu quả như tinh thần của đề xuất“.

Hữu Nghị tổng hợp